Vụ Chiêm xuân năm 2021-2022 toàn xã đã gieo cấy được 260.16ha, đạt 100% kế hoạch, cây rau màu vụ xuân hè đã gieo trồng với diện tích 26ha, đạt 80% kế hoạch. Đến nay trà lúa đang giai đoạn cuối đẻ nhánh đến kết thúc đẻ nhánh. Qua theo dõi thời tiết tháng 3 đến trung tuần tháng 4 có các đợt không khí lạnh không có mưa, ẩm độ không khí thấp, trời nắng hanh, không có mưa xuân, mưa rào. Bên cạnh đó giá vật tư phân bón tăng cao, các hộ nông dân đầu tư phân bón cho lúa có phần hạn chế. Mặt khác do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kèm theo mưa lớn từ ngày 18-22/02/2022 đã làm một số diện tích lúa chết rét phải gieo cấy và dặm lại nên các trà giống lúa sinh trưởng phát triển kém hơn so với các năm trước, lúa thấp cây, lá lúa nhỏ, ngắn và không vươn, lúa đẻ nhánh chậm, cây lúa bị vàng lá, thậm chí bị khô đầu lá,... Trên đồng ruộng chuột phá hoại nhiều trên những diện tích gần làng, gần bãi rác, cạnh các gò đống cao và khu chuyển đổi, một số đối tượng sâu bệnh gây hại rải rác. Để phấn đấu giành thắng lợi trong sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2021-2022, UBND xã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn các hộ nông dân làm tốt một số nội dung sau: 1.Đảm bảo đủ nước trên mặt ruộng cho lúa sinh trưởng và phát triển, thuận lợi cho quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Khi lúa đã đẻ đảm bảo số dảnh, kết thúc quá trình đẻ nhánh cần tiến hành rút nước trên mặt ruộng để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, đồng thời làm cho bộ rễ ăn sâu để tăng cường khả năng chống đổ và hút chất dinh dưỡng; thời gian rút nước để khô ruộng liên tục từ 7 – 10 ngày, sau đó cho nước trở lại và bón đón đòng cho lúa. Tuyệt đối không được để ruộng khô hạn trong giai đoạn lúa làm đòng, trỗ bông, vào chắc và chín. 2. Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nông dân bón đón đòng cho lúa, cần tăng cường sử dụng phân Kali, cụ thể: Đối với giống lúa chất lượng, giống lúa lai bón từ 5-6kg Kali/1 sào; đối với giống lúa thuần khác bón từ 4-5kg Kali/1 sào (nếu ruộng còn xấu có thể bón thêm từ 1-1,5kg đạm ure/sào kết hợp bón các loại phân bón trung lượng, vi lượng qua lá). Căn cứ vào tình hình thực tế đồng ruộng và sinh trưởng của các trà, giống lúa để bón đón đòng cho đúng thời điểm, muộn nhất kết thúc trước ngày 25/4/2022. 3. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sâu bệnh kịp thời, bám sát dự tính, dự báo của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp về tình hình sâu bệnh hại để để hướng dẫn nông dân phòng trừ có hiệu quả. Chú ý một số đối tượng gây bệnh hại nặng trên lúa chiêm xuân như bệnh đạo ôn lá trên các giống nhiễm như Q5, Nếp,... bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu,... 4. Tăng cường chỉ đạo công tác đánh bắt diệt chuột. Giai đoạn này chuột ít ăn mồi bả nên tập trung đánh bắt diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như đặt cạm bẫy, đào bắt,.... Tuyệt đối không dùng kích điện đánh bắt diệt chuột nguy hiểm đến tính mạng con người. 5. Tích cực hướng dẫn nông dân chăm sóc và bảo vệ diện tích cây rau màu xuân hè đã trồng, đồng thời mở rộng diện tích cây rau màu xuân hè có giá trị kinh tế cao bằng biện pháp tăng lứa, tăng vụ. Cùng với việc tập trung chỉ đạo chăm sóc lúa , hiện nay đang là thời điểm của mùa mưa bão, UBND xã đã chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã xây dựng phương án cụ thể vật tư phương tiện chủ động đối phó theo đúng phương châm "4 tại chỗ" khi có bão lũ xảy ra. Triển khai thực hiện tốt các phương án chống úng nội đồng cho từng vùng, bảo đảm thông thoáng dòng chảy. Cùng với đó, HTXDVNN tăng cường công tác, kiểm tra đồng ruộng, dự tính, dự báo diễn biến phát sinh của bệnh đạo ôn và các loại sâu bệnh khác trên đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ kịp thời, điều tiết nước đảm bảo để cây lúa phát triển. Chỉ đạo Tổ DVĐR tăng cường đánh bắt diệt chuột bằng nhiều phương pháp để giảm mức độ chuột cắn phá. Tổ chức các lớp chuyển giao KHKT để nhân dân có kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế làm giầu cho gia đình và địa phương.
Nguồn tin: Từ GĐHTXDVNN Vũ Thị Sen