GIÁO DỤC-Y TẾ
Hướng đến kỷ niệm 67 năm, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022)Không ngừng nâng cao y đức trong ngành y
21/02/2022 04:25:17

Trong xã hội loài người, ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức và người ta vẫn gọi là đạo đức nghề nghiệp. Đối với ngành y- một ngành có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng của con người, mà sức khoẻ, tính mạng của con người thì vô cùng đáng quý nên những người làm việc trong ngành y càng đòi hỏi phải có những phẩm chất đặc biệt. Đó là hành vi, là thái độ, là bổn phận và trách nhiệm, sự cảm thông của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Muốn chữa bệnh kịp thời, người thầy phải giỏi chuyên môn, hiểu rõ bệnh tình, thông thạo các loại thuốc và nhiều thủ thuật cần thiết khác. Song hơn cả chuyên môn, đã là thầy thuốc thì phải có y đức, phải đặt sức khỏe và tính mạng của người bệnh lên trên hết, để chữa bệnh là làm phúc, là không màng một tiếng trả ơn, cũng không để cầu lợi. Sinh thời Hải Thượng Lãn Ông- Lê Hữu Trác, một danh y nổi tiếng của Việt Nam luôn lấy y đức để dạy cho người thầy thuốc trước khi dạy họ bốc thuốc. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cũng từng dạy lương y phải như từ mẫu. Bởi sứ mạng của thầy thuốc không phải hành nghề vì mục tiêu kiếm sống, mà là trị bệnh cứu người. Những sai sót của thầy thuốc, chủ quan hay khách quan đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Thực tế, hầu hết những người làm nghề y hiện nay đều vừa có y thuật vừa có y đức, đã thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của người thầy thuốc. Họ không quản khó khăn, thậm chí là hiểm nguy đến tính mạng để chăm sóc, cứu sống người bệnh; Nhiều y bác sỹ bám trụ lâu năm nơi vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đặc biệt. Họ đã vượt lên sự thiếu thốn về trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất nghèo nàn, đường xá xa xôi để tận tình cứu chữa, tình nguyện vào những tâm điểm dịch, chăm sóc sức khỏe cho cho đồng bào dân tộc, người nghèo. Dẫu mức sống của gia đình họ cũng còn rất thấp nhưng họ vẫn thực sự là những lương y, những mẹ hiền. Tuy nhiên bên cạnh những thành tích rất đáng tự hào, đâu đó trong hệ thống ngành y vẫn còn có những câu chuyện rất buồn. Đặc biệt những năm gần đây, khi đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc và người bệnh, hiện tượng phong bì lót tay, là một tồn tại nhức nhối, làm biến dạng hình ảnh tốt đẹp của người thầy thuốc chân chính. Một số y bác sỹ và nhân viên y tế đã có những biểu hiện tiêu cực, vi phạm quy định về y đức, bị dư luận xã hội lên án, bức xúc. Đối chiếu với những lời thề của sinh viên sau khi tốt nghiệp, và lời dạy của các tiền nhân thì việc sách nhiễu, coi thường tính mạng của người bệnh, phân biệt đối xử với bệnh nhân nghèo, bệnh nhân dùng thẻ BHYT của các y bác sỹ đó rõ ràng là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên đó chỉ là những con sâu bỏ rầu nồi canh, đã phần nào làm vẩn đục sự thanh cao của nghề y. Thực tế bác sỹ là một nghề được đào tạo lâu nhất, cẩn thận nhất, cũng là nghề khó khăn và phức tạp nhất trong các ngành nghề đào tạo, các y bác sĩ đã không quản tính mạng, thời gian để cứu người nhất là từ năm 2020 trở lại đây dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên đất nước của chúng ta, đội ngũ y bác sĩ đã phải gồng mình chống dịch, phải bỏ lại người thân gia đình ở phía sau để vào những tâm điểm của dịch để phòng, chống dịch, trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch đang giành giật sự sống trước tử thần. Từ những điều đó đã không ít y bác sĩ cũng bị nhiễm Covid-19 do tiếp xúc, điều trị cho các trường hợp F0. Để đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng lực lượng y bác sĩ đã không quản ngày , đêm, quên ăn, không ngủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 những việc làm đó thầm lặng ngày này qua ngày khác. Tuy sự vất vả là vậy nhưng nhiều khi mỗi chúng ta đến với Trạm y tế, bệnh viện không có lời chia sẻ, động viên đội ngũ y bác sĩ mà còn có những cử chỉ, hành động thiếu tôn trọng, ngoài ra chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc hiện nay còn rất thấp, thậm chí chưa bằng lương của một người công nhân lao động bình thường. Để giữ chân được đội ngũ y bác sĩ rất cần sự quan tâm của toàn xã hội với ngành y có vai trò rất quan trọng để người bệnh và gia đình họ biết trân trọng tinh thần và lao động của người thầy thuốc trong khám chữa bệnh. Chỉ có làm tốt điều này mới tạo điều kiện để mỗi thầy thuốc thể hiện rõ lương tâm, trách nhiệm của một lương y, thân thiện với mọi người, tận tụy với công việc.Cùng với đó Bản thân mỗi người thầy thuốc phải không ngừng học tập, rèn luyện y đức để ngày càng giỏi hơn, tận tâm tận tụy với nghề hơn. Song quan trọng hơn cả là cần xây dựng mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân một cách trong sáng, lành mạnh. Nhân dịp kỷ niệm 67 năm, Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 - 27/02/2022) chúng ta nhắc đến lời dạy của Bác Hồ trong lá thư tưởng chừng như đơn sơ, mộc mạc, nhưng nó mang đậm tính triết lý sâu xa, tính khoa học xã hội nhân văn sâu sắc và có ý nghĩa chính trị - xã hội rộng lớn, thiết thực đủ để các thầy thuốc Việt Nam phải nghĩ suy, học tập và tu dưỡng, tận tuỵ hơn nữa với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong hiện tại và tương lai, xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Lương y phải như từ mẫu”.   
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHI LĂNG BẮC - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Đoàn Minh Đức - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Chi Lăng Bắc, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 03203736620

HMail: chilangbac.thanhmien@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0