TIN TỔNG HỢP KHÁC
Xã viên Chi Lăng Bắc tích cực chăm sóc, bảo vệ lúa mùa theo KHKT để có vụ lúa mùa bội thu
10/08/2021 07:56:09

Thời tiết, khí hậu vụ mùa thường rất khắc nhiệt, diễn biến phức tạp, khó lường, đầu vụ thường xảy ra mưa úng, giai đoạn lúa trỗ bông, làm hạt hay gặp áp thấp nhiệt đới hoặc bão ảnh hưởng lớn tới năng xuất. Sâu bệnh hại trong vụ mùa cũng khá phức tạp, mật độ gây hại tăng so với vụ chiêm, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vị khuẩn, vàng lụi, chuột gây hại… + về dự báo thời tiết khí hậu thủy văn mùa mưa bão lũ ( theo đài khí tượng thủy văn tỉnh) năm 2021 là năm có nền nhiệt độ trung bình mùa ở mức sấp sỉ trung bình năm nhưng không gay gắt và kéo dài như năm 2020. Tổng lượng mưa có xu hướng toàn mùa cao hơn trung bình năm từ 10-20%. Bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn trung bình năm và dao động nhỏ. + đối với Kế hoạch sản xuất lúa vụ mùa, toàn xã gieo cấy 260.16 ha, phấn đấu năng suất đạt 58 tạ/ha. Để việc gieo cấy lúa mùa đạt kế hoạch Ủy ban nhân dân xã chỉ đạo HTX DVNN theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động tiêu rút nước đệm trên các tuyến kênh mương, nhất là ở những vùng trũng có nguy cơ bị ngập úng; chủ động máy bơm dã chiến, máy bơm di động để chống úng cho lúa, cây rau màu khi có mưa lớn xảy ra; duy trì mực nước nông cho ruộng lúa đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, không để ruộng khô hạn; khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý cho cây lúa phát triển tôt nhất. Hiện nay, các trà lúa trong toàn xã đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh và kết thúc đẻ nhánh, Xã viên cần thăm đồng thường xuyên, bón thúc đòng kịp thời. Do vụ mùa cây lúa sinh trưởng trong điều kiện thời tiết nắng ấm nên ít có biến động về thời gian sinh trưởng như vụ xuân. Việc bón phân đón đòng đúng thời điểm sẽ quyết định đến số hạt chắc/bông và năng suất lúa sau này; bón phân đón đòng đúng kỹ thuật sẽ tạo ra năng suất cao, hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí.  Để lúa mùa đạt năng xuất, chất lượng cao xã viên cần lưu ý một số vấn đề sau: 1.     Xác định thời điểm bón đón đòng: Nên bón phân đón đòng khi cây lúa bắt đầu hình thành tượng khối sơ khởi. Bón vào thời điểm này sẽ đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng ngay từ ban đầu cho cả dảnh cái và các dảnh con trong quá trình phân hoá đòng và nuôi đòng. Cách nhận biết: Vụ mùa trong điều kiện thời tiết ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao nên thời gian sinh trưởng của cây lúa ngắn; thời điểm sau gieo cấy khoảng 35-40 ngày là tiến hành bón thúc đòng. Quan sát bằng mắt thấy hình thái cây lúa có sự biến đổi rõ rệt như tròn khóm, tròn cây, chiều cao vươn nhanh do vươn lóng, thân cứng, lá đứng nhọn hơn. Hoặc khi quan sát lá trên cùng của dảnh cái, tính từ chóp lá xuống khoảng từ 5-7 cm sẽ thấy có hiện tượng thắt eo (co nhỏ lá) đầu lá thì lúc này đa số dảnh bắt đầu hình thành tượng khối sơ khởi. Giai đoạn này có thời gian rất ngắn để bước vào phân hoá đòng, hình thành các gié, các hoa tạo nên các hạt lúa và bông lúa, quyết định số hạt lúa trên bông. Cho nên phải bón phân đúng thời điểm này để cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho cây lúa. Thực tế trong sản xuất, bà con nông dân thường bón muộn khi đòng to (bóc dảnh cái thấy đòng đã dài), lúc này số gié và số hoa đã phân chia xong nên bón phân chỉ có tác dụng nuôi đòng. Việc bón muộn như vậy làm cho bông lúa nhỏ, ngắn và không nhiều hạt. Vì vậy, bón phân đón đòng cho lúa đúng thời điểm, đủ lượng là rất cần thiết để có được số số hạt/bông và số hạt chắc/bông đạt tối đa, là cơ sở cho năng suất cao. Thời gian bón Tập trung từ ngày 05 đến ngày 10/8/2021 và kết thúc trước ngày 13/8/2021. Lượng bón: từ 2-4kg kali/sào đối với giống lúa thuần. đối với lúa chất lượng và lúa lai có khả năng kháng vi khuẩn bón từ 4-6 kg kali/sào. Căn cứ vào tình hình phát triển của ruộng lúa có thể bón thêm từ 1-1,5kg ure/sào đối với ruộng lúa xấu.
 
  Cánh đồng lúa phát triển khá tốt tại xã Chi Lăng Bắc
*Lưu ý:  Ở giai đoạn này luôn giữ mực nước trong ruộng từ 3-5cm để cây lúa đủ nước và hấp thu dinh dưỡng được tốt nhất thuận lợi cho quá trình phân hóa đòng và nuôi đòng.   Về sâu bệnh hại: Vụ mùa thường phát sinh nhiều đối tượng sâu, bệnh gây hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch, một số đối tượng sâu hại như: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy ....; bệnh hại như: bệnh bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn...các đối tượng sâu bệnh khi đã không được kiểm soát làm thiệt hại năng suất lúa vụ mùa là rất cao, lúc đó công tác phòng trừ cũng rất khó khăn. -    Đối với Bệnh khô vằn: đang phát sinh gây hại mạnh trên các xứ đồng, nhất là các ruộng xanh tốt, cấy dầy, bón phân không cân đối, thừa đạm: khi phát hiện bệnh hại từ 10% dảnh trở lên thì tiến hành phun trừ ngay: Dùng các loại thuốc như: Anvil, Nevo, Tilsupper. -  Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: bệnh thường phát sinh gây hại khi xảy ra mưa lớn kéo dài, gió mạnh, gây tổn thương lá lúa tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xâm nhập, gây hại. Bệnh hại do vi khuẩn đến nay chưa có thuốc đặc trị, xã viên cần phun phòng bệnh sau các trận mưa dông. Khi phát hiện lá lúa héo xanh từng chòm, dần chuyển sang vàng, khô quắt đầu lá xã viên cần phun thuốc trừ ngay, hạn chế bệnh lây lan. Lưu ý: thời điểm phun thuốc và lúc chiều mát. -  Chuột hại: hiện nay chuột đang căn phá mạnh trên tất cả các xứ đồng, tổ đánh bắt diệt chuột và nhân dân cần thăm đồng thường xuyên, kết hợp mọi biện pháp hóa học và thủ công để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nạn chuột gây hại. Về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, xã viên cần thăm đồng thường xuyên, bám sát vào thông báo của HTX DVNN và thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: đó là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Nội dung quan trọng đầu tiên được đề cập đến là “đúng thuốc”. Nghĩa là, khi chọn mua thuốc BVTV, nông dân cần nhận biết rõ loại dịch hại cần phòng trừ để chọn mua đúng loại thuốc có hiệu lực cao. Khi mua thuốc nên ưu tiên chọn thuốc có tác động chọn lọc, hiệu lực cao, thời gian cách ly ngắn, ít độc đối với sinh vật có ích và động vật máu nóng, thuốc ít nguy hại đến người tiêu thụ sản phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thuốc cấm, thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Khi sử dụng thuốc cần phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay, đảm bảo pha thuốc đúng liều lượng và nồng độ. Theo các cơ quan chuyên ngành, nếu dùng liều lượng thuốc BVTV cao hơn khuyến cáo sẽ tạo tính kháng thuốc trong loài dịch hại sẽ gây nguy cơ tái phát dịch hại và khó kiểm soát hơn, càng làm gia tăng nguy cơ ngộ độc của người đi phun thuốc, người sống gần vùng phun thuốc và người tiêu thụ sản phẩm có phun thuốc. Cần pha thuốc đúng nồng độ và phun đủ lượng nước quy định để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất. Ngoài ra, phun thuốc BVTV cần “đúng lúc”, kịp thời vào thời điểm dịch hại trên đồng ruộng dễ bị tiêu diệt, tác động vào lúc mật độ sâu hại đạt tới ngưỡng kinh tế và đảm bảo thời điểm phun thuốc vào lúc chiều mát. Phun thuốc “đúng cách” là phun đều làm thuốc tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, tập trung vào nơi sinh vật gây hại. Phun đúng cách để đảm bảo an toàn cho người phun xịt thuốc và môi trường xung quanh. Lưu ý trước khi phun thuốc BVTV, người trực tiếp phun cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động như quần áo lao động, mũ, kính, khẩu trang, bao tay, ủng… Sau khi phun xong không trút đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm ra mương máng và phải bỏ bao bì thuốc vào bề chứa bao bì thuốc BVTV HTX đã đặt tại các khu đồng.  Đó là những nguyên tắc cơ bản nhất xã viên cần nghiêm túc thực hiện để sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho con người, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và đảm bảo năng xuất, chất lượng nông sản của địa phương.  
Bài viết từ GĐ- HTXDVNN Vũ Thị Sen

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHI LĂNG BẮC - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Đoàn Minh Đức - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Chi Lăng Bắc, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 03203736620

HMail: chilangbac.thanhmien@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0