Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đợt không khí lạnh diễn ra từ ngày 13-15/5, có thể gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ tới cấp 6, giật cấp 7-8. Dự báo nhiệt độ thấp nhất ở vùng núi có thể xuống dưới 16 độ, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm Thủ đô Hà Nội) được dự báo thấp nhất từ 20-23 độ. Theo cơ quan khí tượng, đây là một trong những đợt không khí lạnh hiếm gặp trong tháng 5. Trong khoảng 40 năm qua, tính từ năm 1981, theo số liệu quan trắc lịch sử của trạm Láng (Hà Nội) vào ngày 4/5/1981, nhiệt trung bình ngày ghi nhận 19,6 độ và ngày 5/5/1994 là 19.8 độ. Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, từ ngày 11-16/5, khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ trong đó thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, nguy cơ cao xảy ra mưa, lũ, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng, thấp. Ngoài ra do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp hội tụ gió trên cao nên từ chiều tối ngày 12-15/5 khu vực đồng bằng Bắc Bộ có mưa, mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Thực hiện công văn số 7 ngày 12/5/2022 của Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Thanh Miện về việc chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, ngập úng cục bộ, dông, lốc, sét và gió giật mạnh trên địa bàn huyện Thanh Miện . Để chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, ngập úng cục bộ, dông, lốc, sét và gió giật mạnh trên địa bàn xã, UBND xã yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông tin kịp thời đến người dân biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất. Tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều. Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm công trình đê điều theo phương châm “bốn tại chỗ”. Rà soát, kiểm tra các công trình đê, kè, cống đặc biệt là các trọng điểm chống lụt bão, các vị trí công trình đê điều, bãi sông đang bị sạt lở chưa được xử lý, các vị trí xung yếu trên hệ thống bờ kênh trục Bắc Hưng Hải, các công trình còn đang thi công để có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời đảm bảo yêu cầu phòng chống mưa lớn, úng ngập. Đài truyền thanh xã, tăng cường thời lượng phát tin, bài thường xuyên về diễn biến mưa lớn, dông, lốc, sét và gió giật mạnh để các cơ quan và người dân biết, chủ động phòng, tránh; phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, gió giật mạnh để giảm thiểu thiệt hại.. Kiểm tra vận hành các cống để sẵn sàng tiêu nước, nhất là các khu vực thấp, trũng, khu nuôi trồng thuỷ sản, khu trồng rau màu thường xuyên bị ngập. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu khi có yêu cầu. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. do vậy người dân cần chủ động theo dõi thời tiết để đề phòng mưa dông, lốc và mặc đủ ấm khi ra ngoài đảm bảo an toàn cho người và tài sản.