Đến ngày 07/10/2021, toàn xã đã thu hoạch xong 262,16 ha diện tích lúa mùa , năng suất đạt 63,6 tạ/ha; diện tích đã trồng cây vụ đông ước đạt 15 mẫu , đạt 15 % kế hoạch. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, từ ngày 09/10/2021 đến 6h00 ngày 11/10/2021 trên địa bàn có mưa to, lượng mưa đo được tại Xí nghiệp KTCTTL huyện là 170mm. Mưa lớn đã làm ngập úng một diện tích cây vụ Đông đã trồng, trong đó cây ngô, cây bí , cây rau màu các loại . Hiện nay, cơn bão có tên quốc tế Kompasu đang hoạt động ở khu vực biển Đông, trở thành cơn bão số 8. Đây là cơn bão mạnh, có tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất trên biển có thể lên tới cấp 10-11, giật cấp 13 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây gió mạnh, mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ. Từ ngày (13/10) đến ngày 14/10, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 150mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt. Thực hiện công văn số 2956 ngày 12/10/2021 của UBND huyện Thanh Miện V/v chủ động ứng phó với bão số 8, diễn biến mưa lớn trên địa bàn huyện và tăng cường chỉ đạo sản xuất nông nghiệp Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, bão trong những ngày tới, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ngập úng và đảm bảo sản xuất vụ Đông theo kế hoạch, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Ủy ban nhân dân xã yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN, HTXDVNN xã , các thôn và nhân dân làm tốt một số nội dung sau: 1. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 8 và mưa lớn…; kịp thời chủ động phòng, tránh đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và có kế hoạch sản xuất vụ đông phù hợp. 2. Ban chỉ huy PCTT&TKCN, HTXDVNN xã , các thôn Tăng cường kiểm tra các công trình đê, kè, cống, các vị trí sạt lở bãi sông chưa được xử lý, công trình thủy lợi nội đồng, các công trình còn đang thi công; đề nghị có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời đảm bảo yêu cầu phòng chống mưa, bão, lũ và ngập úng. 3. Kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ; khẩn trương thu hoạch cây rau màu vụ đông sớm, chỉ đạo tạm dừng trồng cây vụ Đông khi mưa lớn, tiến hành khoanh vùng tiêu úng cho diện tích cây vụ Đông đã trồng bị ngập úng, khu nuôi trồng thủy sản tập trung; hoành triệt các cửa cống không cho nước ngoài sông tràn vào; nạo vét các kênh tiêu thoát nước. 4. Hướng dẫn các hộ nông dân sau khi hết mưa tiến hành chăm sóc cho cây bằng cách: Xới đất, vun luống kết hợp bón phân tăng cường cho cây ra rễ, sinh trưởng phát triển; đồng thời trồng dặm và trồng bổ sung diện tích cây vụ Đông đã chết do ngập úng; tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông còn thời vụ như: Cây khoai tây, bắp cải, cây rau màu các loại... 5. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với những cây trồng mới, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, khuyến khích các hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất cây vụ Đông. HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp, thương lái chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân. Chủ động xây dựng Kế hoạch nạo vét kênh dẫn và làm thủy lợi vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022 thật cụ thể, chi tiết tới từng kênh mương, từng thôn, đội sản xuất để đảm bảo tốt công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022 và những năm tiếp theo. 6. Đài truyền thanh xã : Tăng cường thời lượng phát sóng đưa tin về tình hình mưa, bão để nhân dân biết và chủ động phòng, tránh, ứng phó; đồng thời viết bài tuyên truyền kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vụ Đông, các mô hình trồng cây vụ Đông tập trung, điển hình. 7. Nhân dân trong xã, các gia đình đấu ao hồ, sông ngòi khai thông đường tiêu, thoát nước, đăng chắn phải đảm bảo cho tiêu, thoát nước kịp thời tránh ách tắc ngập úng cục bộ trong nhân dân. Chủ động theo dõi ứng phó với diễn biến bão, mưa lớn sảy ra để bảo vệ người và tài sản hạn chế thiệt hại mức thấp nhất khi mưa, bão sảy ra.
Thực hiện: Đào Thanh